Cách phát hiện, chẩn đoán bệnh trên Tôm

Để phòng trị bệnh được tốt, trước tiên phải chẩn đoán được bệnh mới có thể đề ra được các biện pháp phòng trị bệnh có hữu hiệu.


1. Kiểm tra hiện trường

Ao nuôi tôm mắc bệnh không những biểu hiện các dấu hiệu bệnh lý trên cơ thể, mà còn thể hiện các hiện tượng trong ao. Điều kiện môi trường tốt khoảng sau 20 ngày thả tôm post, ban ngày khó nhìn thấy tôm bơi.

Khi tôm bị sốc do môi trường xấu hoặc bị nhiễm bệnh thì chúng thường nổi lên mặt nước hoặc tập trung ở ven bờ. Tôm khoẻ thường ban ngày vùi mình dưới đáy ao, khi mặt trời lặn tôm bơi lên tầng nước kiếm mồi.

Vào ban đêm trước khi cho ăn, cần kiểm tra bờ ao để xem có tôm tại đó hay không. Dùng đèn pin chiếu sáng nếu mắt tôm đỏ và bơi đi là tôm khoẻ. Tôm bệnh sẽ thường nổi đầu ở bờ ao và mắt có màu tái nhạt.

Nếu mắt gần như trắng thì chúng đã bị nhiễm bệnh nặng. Khi đi kiểm tra tôm nếu thấy tôm yếu thì cần bắt loại bỏ những con tôm yếu đó và có biện pháp sử lý ngay

1.1. Điều tra tình hình quản lý chăm sóc.
Tôm bị bệnh có liên quan đến tình hình chăm sóc và quản lý ao: lượng thức ăn kém phẩm chất, cho ăn quá nhiều… dẫn đến chất lượng nước thay đổi, oxy hoà tan giảm các chất độc tăng cao như ammoniac, H2S ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôm.
Ao nghèo dinh dưỡng, tảo tàn lụi, thức ăn tự nhiên không đủ cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôm.

1.2. Điều tra tình hình biến đổi thời tiết, khí hậu và thuỷ hoá
Trong mùa vụ nuôi tôm không thích hợp: nóng quá lạnh quá, mưa gió thất thường, thuỷ triều kiệt… đều là những yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôm.
Do đó chúng ta cần theo dõi thời gian trước đó từ 5-7 ngày về chế độ thuỷ lý hoá: nhiệt độ, độ muối, pH, độ trong, oxy hoà tan, ammoniac, H2S để phân tích so sánh với tiêu chuẩn cho phép.

2. Kiểm tra tôm

Quá trình phát sinh bệnh có 2 loại: bệnh cấp tính và bệnh mạn tính:

  • Bệnh cấp tính: tôm có màu sắc và thể trạng không khác với bình thường, thường có dấu hiệu bệnh đặc trưng.
    Tôm bị bệnh có thể chết ngay và tỷ lệ chết tăng lên rất nhanh, trong thời gian ngắn đạt đến đỉnh cao nhất (2-5 ngày)
    Ví dụ như bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh phát sáng.
  • Bệnh mạn tính: tôm bị bệnh mạn tính thường màu sắc hơi tối đen, thể trạng gầy yếu, chậm lớn, tôm tách đàn bời lờ đờ trên mặt nước hoặc quanh bờ ao, tỷ lệ chết tăng lên từ từ, trong một thời gian dài mới đạt đỉnh cao (2-3 tuần có thể 1-2 tháng).
    Ví dụ bệnh MBV, bệnh ăn mòn vỏ, bệnh nấm.

Dựa vào các dấu hiệu bệnh của tôm, cần quan sát các thay đổi của tôm như sau:

2.1. Màu sắc tôm
Màu sắc của tôm bình thường sẽ liên quan với các điều kiện môi trường nước. Chẳng hạn ở những ao cạn hoặc nước trong tôm có khuynh hướng sậm màu hơn tôm ở nước sâu hoặc nước ít trong. Tuy nhiên sự thay đổi về màu sắc cũng có thể là một dấu hiệu về sức khoẻ của tôm.

Tôm bị sốc hoặc bị bệnh thường thay đổi màu sắc, ví dụ tôm chuyển màu đỏ (hình 5A) thì có thể là do sự phóng thích sắc tố caroten bởi sự hoại tử gan tụy và dĩ nhiên là tôm chết thường có màu đỏ.

Những con tôm còi hay chậm lớn thường thấy một vết đỏ nâu hoặc trắng dọc lưng (hình 5C) do sự tập trung sắc tố màu nâu vàng. Tôm ủ bệnh thường có vỏ cứng và tối màu. Tôm đang ở trong giai đoạn bệnh nặng sẽ có cơ màu trắng đục hoặc hơi đỏ

A- Tôm xẫm màu do độ sâu nước ao quá nông; B- tôm có vết đỏ nâu ở dọc lưng; C- tôm chuyển màu đỏ vỏ và các chân.

Hầu hết các vết thương ở tôm sẽ chuyển màu đen hay nâu chỉ sau một thời gian ngắn. Đó là do sự sinh ra các sắc tố đen hay nâu sậm (melanin) để chống lại vi sinh vật (vì có tính độc) và bảo vệ tôm khỏi nhiễm bệnh.

Ngoài sự chuyển màu đen, có một số trường hợp không bình thường khác có thể ảnh hưởng đến phần phụ. Phần phụ có thể bị cong hoặc bị gãy và đôi có thể bị sưng phồng lên.

Hiện tượng sưng lên như vậy thường là hậu quả của sự nhiễm trùng từ những vùng đáy ao bị ô nhiễm bởi chất thải.

2.2. Những biến đổi ở ruột, gan tuỵ
Tôm bệnh nặng thì dừng ăn và những con đang ốm sẽ ăn ít hơn bình thường. Ruột không có thức ăn là dấu hiệu của tôm bệnh trong khi những con tôm có ít thức ăn trong ruột có thể ở giai đoạn đầu của bệnh.

Ruột cũng có thể có màu trắng hơn hay đỏ hơn so với màu bình thường của màu thức ăn viên. Màu đỏ có thể là do tôm ăn những động vật không xương sống có màu đỏ trong ao như giun nhiều tơ.

Nếu ruột có màu đỏ không phải do giun nhiều tơ thì đó là dấu hiệu cho biết tôm đã ăn xác của các con tôm chết trong ao và điều này chứng tỏ rằng trong ao đã có tôm chết.

Màu sắc của hệ gan tuỵ cũng có thể thay đổi và nguy hiểm nhất là màu vàng mà ta thường gọi là bệnh đầu vàng.

2.3. Hiện tượng mềm vỏ
Một dấu hiệu khác thường thấy là tôm bị mềm vỏ kinh niên. Thông thường vỏ tôm cứng lại sau khi lột xác 24 giờ.
Nếu vỏ không cứng được thì nó sẽ bị nhăn và biến dạng (hình 6) và trở nên mẫn cảm hơn với các bệnh.

Có rất nhiều nguyên nhân gây hiện tượng mềm vỏ như:
– Thức ăn hôi thối, kém chất lượng (nấm Asperrgillus trong thức ăn) hoặc thiếu thức ăn
– Thả giống mật độ cao
– pH thấp
– Hàm lượng lân trong nước thấp
– Thuốc trừ sâu

Tôm càng xanh bị mềm vỏ

2.4. Sinh vật bám
Một trong những dấu hiệu thông thường nhất của sức khoẻ kém là hiện tượng đóng rong (sinh vật bám- hình 7) hay sự phát triển của các vi sinh vật trên bề mặt cơ thể tôm.

Khi các sinh vật bám trên vỏ, chúng thường có khuynh hướng thu gom những chất vẩn cặn và bề ngoài tôm có màu xanh rêu hoặc bùn.

Nếu tôm khỏe thì nó sẽ tự làm sạch cơ thể đều đặn và sau khi lột xác thì hiện tượng đóng rong sẽ mất đi nhưng đối với tôm yếu thì sự tự làm sạch và lột xác kém thường xuyên hơn.

Nước ao nuôi bẩn thì ngoài sự ảnh hưởng tới sức khỏe tôm, còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho các sinh vật gây bệnh và vì vậy làm tăng sự phát triển cuả sinh vật bám trên cơ thể tôm.

 

Tôm bị sinh vật bám (đóng rong) dày đặc trên thân

 

Tôm đen mang

 

Tôm đỏ mang do thiếu oxy hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn

2.5. Những biến đổi mang
Khi tôm khoẻ thường giữ mang rất sạch, nhưng tôm bệnh hay yếu thì mang có màu nâu do quá trính tự làm sạch kém nên các chất bẩn bám vào mang và có thể nhìn thấy qua vỏ đầu ngực.

Nếu mang thực sự bị tổn thương thì mang tôm có màu đen (hình 8). Mang tôm cũng có thể có màu đen trên mang hoặc ở bên trong vỏ giáp do các muối sắt tích tụ lại.

Nếu mang có màu hồng (hình 9) thì có thể do tôm sống trong môi trường có hàm lượng oxy hoà tan thấp (<3mg/l).

2.6. Những biến đổi ở cơ
Cơ bụng của tôm sẽ không lấp đầy vỏ giáp nếu bị đói kéo dài ngay sau khi lột xác.
Cơ tôm (thịt) sẽ trở nên đục bởi nếu có hiện tượng sốc cấp tính, nhiễm nấm hoặc nhiễm vi bào tử (hình 8).
Sự nhiễm khuẩn mãn tính cục bộ sẽ gây thành những vết thương đen trong cơ.

 

Tôm sú trắng (đục) thân

3. Thu mẫu cố định để phân lập vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng.
Có một số bệnh không thể phân tích tại hiện trường được, chúng ta phải cố định phân tích mô bệnh học hoặc thu mẫu để nuôi cấy phân lập vi khuẩn, nấm hoặc thử test PCR… Các mẫu này
được gửi về các phòng thí nghiệm có đủ trang thiết bị như các viện nghiên cứu chuyên ngành thuỷ sản (Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1, 2).

Nguồn: Tiến sĩ Bùi Quang Tề

Tags: bệnh trên tôm, cách chẩn đoán bệnh trên tôm, Chế phẩm sinh học, chế phẩm sinh học vườn sinh thái, chế phẩm vi sinh, chế phẩm vườn sinh thái, kỹ thuật nuôi tôm, phòng trị bệnh trên tôm

TIN LIÊN QUAN

Gọi ngay: 0962.686.348

Để được Tư vấn kỹ thuật Nông nghiệp MIỄN PHÍ !

Nhà nông Hỏi Đáp



(* Là phần không được để trống)

©2020 Chế phẩm sinh học VƯỜN SINH THÁI

Gửi lại thông tin để được
Hỗ trợ kỹ thuật MIỄN PHÍ !