Một chú lợn có nhiều biểu hiện “khác thường” tại tỉnh Đồng Tháp đang tạo ra sự chú ý và ngạc nhiên đối với nhiều người.
Chú lợn thông minh kỳ lạ, chỉ ăn chay và biết trông nhà
Một chú lợn có nhiều biểu hiện "khác thường" tại tỉnh Đồng Tháp đang tạo ra sự chú ý và ngạc nhiên đối với nhiều người.
Ai cũng nghĩ rằng, đã là giống lợn thì con nào chả ăn tham, ăn tạp, con nào chả ngủ suốt ngày. Đến cả “Trư Bát Giới” xưa kia trên đường tu thành phật còn không bỏ được cái tính đó huống chi chỉ là một con lợn mọi 3 tuổi. Tiện chuyến công tác miền tây đi qua vùng Đồng Tháp Mười, tôi quyết định ghé qua coi tận mặt chú lợn được cho là có nhiều biểu hiện “khác thường” để xem thực hư như thế nào.
Chú lợn quyết… ăn chay từ bé
Nhà ông Nguyễn Văn Mạo chủ của chú lợn kỳ lạ ở ấp 4 (Mỹ Đông, Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Mới đến đầu ấp, hỏi đến nhà ông thì không ai là không biết vì ông là phó ấp ở đây. Mấy người dân sau khi biết tôi là nhà báo thì ai cũng đoán ngay là tôi đến tìm con lợn kỳ lạ mà ông phó ấp đang nuôi. Ông Nguyễn Văn Trung, một người dân ở đây lắc đầu tủm tỉm cười: “Mới tuần trước tui vào nhà ổng mà còn bị con lợn đó nó rượt tới bến luôn, giống lợn chi đâu mà giữ nhà cứ như chó vậy”.
Trước những thông tin mà người dân ở đây kể vể chú lợn kỳ lạ càng làm tôi nửa háo hức, nửa ngờ vực. Theo chỉ dẫn của ông Trung tôi tìm đến ngôi nhà có cái ngõ sâu hút, ở cuối ấp. Vừa dựng xe máy xuống tôi đã giật mình bởi một con lợn mọi (có nơi gọi là Lợn Móng Cái) khoảng hơn 100kg đang nằm ngủ bỗng dưng bật dậy nhe nanh “đứng tấn” trước cửa. Do đã lường trước được tình huống này lên tôi đứng ngoài gọi vọng vào trong nhà để nhờ chủ ra dẫn vào.
Ông Mạo đang bận đi ra đồng gieo xa nên người ra đón tôi là bà Nguyễn Thị Cúc vợ ông. Sau khi biết tôi là nhà báo bà chủ tỏ ra rất tự hào về con thú cưng của nhà mình. Ngồi một hồi nói chuyện về những khả năng đặc biệt của chú lợn với tên thường gọi là “Mép” bà Cúc thấy tôi tỏ vẻ hồ nghi liền bảo cô con gái tên Ngọc Yến vào nhà lấy ra một bát cơm trộn thịt cá cho lợn ăn. Thế nhưng, cừa thấy bát cơm thịt, chú lợn chỉ đến gần hít hít ngửi ngửi rồi quay ra cửa nằm. Sau đó bà Cúc mới thảy cho nó đoạn mía và mấy miếng bánh mỳ thì chỉ trong một loáng nó đã ăn sạch.
Bà Cúc cho biết, cái chuyện ăn chay của chú lợn này cũng là điều vô cùng kỳ lạ mà đến bây giờ mọi người trong nhà ông Năm Mạo vẫn chưa hiểu nổi. Hồi mới mua về, trong nhà cũng không biết nó thích ăn gì nên cứ đưa cá,thịt và thức ăn thừa ra cho nó ăn, ai ngờ nó dụi dụi rồi bỏ đi, dỗ kiểu gì cũng không ăn. Nó “tuyệt thực” như vậy đến 2 ngày liền, ai cũng nghĩ chắc nó “lạ nhà” nên bị ốm.
Sang đến cuối ngày thứ 2, trong lúc chưa biết xử lý thế nào bà Cúc mới thử đưa cái bát cơm trộn tương mình ăn không hết cho nó thì nó ăn ngấu nghiến. Thấy lạ cả nhà mới đổ niêu cơm còn lại ra rồi trộn với tương cho nó, đến lúc này mới biết nó không ăn là bởi vì cả nhà cứ ép nó “ăn thịt”. Từ dạo đó, gia đình bà cứ ăn gì thì cho nó ăn nấy, chỉ cần không có mùi thịt cá là nó ăn rất háu.
Có một điều hơi trái khoáy là tuy “giữ chay” nhưng chẳng hiểu sao lợn Mép lại rất thích uống bia. Ngọc Yến, con gái ông Mạo kể: “Hôm đó nhà có khách, ba với mọi người đang uống bia thì thấy nó cứ ngồi cạnh rồi nhìn heo với vẻ “thòm thèm”. Thấy thế một ông khách mới cao hứng “tao chúc mày 2 ly luôn”, rồi đổ bia ra một cái chậu đưa cho nó. Chưa đầy một phút nó đã nốc cạn”.
Về nguồn gốc khai sinh của con keo kỳ lạ này, bà Cúc, vợ ông Năm Mạo kể: “Ngày đó, trong xóm người ta rộ lên cái phong trào nuôi lợn mọi, mấy nhà xung quanh, nhà nào cũng nuôi một vài con. Thấy hàng xóm có mà nhà mình không có nên mấy đứa trẻ trong nhà cứ nhao nhao lên đòi mua. Vậy là một hôm thấy tiếng người rao bán lợn đi qua lộ, ông ấy cũng phải chạy ra mua lấy một con cho chúng nó”.
Lúc mới mua về con lợn chỉ được độ 3kg, thế nhưng nó quậy dữ lắm chỗ nào cũng sục xạo thế nên ông bà mới quyết định nhốt nó vào chuồng. Cứ tưởng như thế là xong ai ngờ nhốt được một thời gian thì thấy nó tỏ vẻ “bực tức”. Bởi, cái giống lợn mọi này nó chỉ khoái được thả ra chứ bị nhốt là nó phá. Vả lại mấy đứa trẻ trong nhà quý nó quá cứ thả ra rồi… dắt đi chơi quanh xóm hoài. Lúc đó cái chuồng của nó nằm ở ngoài trời, nhiều hôm mưa gió thấy nó lạnh lại muỗi đốt nên cuối cùng cả nhà quyết định mang nó vào nhà ở cùng với đàn chó cho “đông vui”.
Về chuyện Mép biết coi nhà thì cả gia đình bà Cúc ai cũng bất ngờ. Khi đó nó khoảng 6 – 7 tháng tuổi, một hôm cả nhà đi vắng hết, chỉ có mình ông Mạo bận việc lúi húi sau nhà. Khi ông đang làm thì nghe tiếng con Mép cứ hộc lên rồi chạy bình bịch. Lúc đầu, ông tưởng nó nô đùa với mấy con chó nên cũng không quan tâm.
Chỉ đến lúc nghe thấy tiếng gọi “bác Năm Mạo” ơi, ông mới đi ra trước nhà thì thấy con Mép đang “ủi” một người khách của ông ra sân. Ông chú ý thì thấy nếu khách cứ đứng ngoài sân thì không sao chứ cứ tiến vào nhà là con Mép lại chạy “đứng tấn” án ngữ không cho vào. Vậy là ông phải chạy ra nẹt, con Mép mới chịu nằm im một chỗ để vị khách vào nhà.
Sau lần đó con Mép được tin tưởng giao cho trọng trách “coi nhà” và dường như Mép rất “hứng thú” với công việc này. Bình thường nó cứ nằm ra vẻ “mơ màng” ở cạnh cửa nhưng chỉ cần có tiếng xe ngay tiếng chân người là cái tai của nó ngay lập tức “động đậy”. Với cái dáng vẻ “bệ vệ” cộng với cặp răng nanh chìa ra trông khá ngầu và sự “tận tụy” trong công việc được giao, Mép luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Những khách quen thì không sao chứ với người lạ thì đừng hòng vào cửa nếu không qua vòng “kiểm soát” của con mép.
Cái sự khôn ranh của Mép không chỉ dừng lại ở việc coi nhà. Bà Nguyễn Thị Dung là chị ruột của bà Cúc ở cùng nhà cũng cho biết, bình thường mỗi khi trời nóng bức hoặc “đến cữ” phải tắm là nó tự động chạy ra giếng cọ người vào thành bể, vậy là chủ biết ý ra giội nước rồi tắm cho nó. Ngoài ra con Mép cũng rất “ngoan”, nó không hề đi bậy trong nhà. Nếu muốn “đi” nó sẽ chạy ra ngoài sân và đến đúng địa điểm bắt buộc.
Nhìn bề ngoài con Mép có vẻ cục mịch, với những người quen có thể thoải mái trêu đùa với nó thế nhưng có một đặc điểm là “lão trư” này thuộc loại “thù” khá dai. Ngọc Yến kể, có mấy người bạn của bố là khách quen nên Mép tỏ ra rất hiền lành và nghe lời, thế nhưng cũng có người hay lợi dụng sự “xuề xòa” của Mép để trêu đùa “quá tay”.
Những lúc như thế nó thường nằm im chịu đựng thế nhưng những ông khách kia nên “cẩn thận” bởi con Mép chỉ đợi “kẻ đáng ghét” ngồi yên ổn trên ghế là bắt đầu lặng lẽ tiến lại ủi tung cả ghế. Chỉ đến lúc vị khách an vị… dưới đất mới chẹp miệng: “con Mép này đúng là không phải tay vừa”.
Hiện tại, Mép đã nặng khoảng hơn 100 kg. Tiếng lạ đồn xa, nhiều người đã tới hỏi mua với giá cao nhưng ông Mạo không bán, ông nói “để nuôi khi nào nó chết tôi chôn chứ không bán”. Không chỉ ông Mạo, mà tất cả người trong nhà đều rất quý lợn Mép. Thậm chí, những người con của ông còn gọi Mép với cái tên rất gần gũi là “em Mép” và coi nó như… một thành viên trong nhà.
Nói về điều này bà Cúc nhìn đứa con gái vừa cười vừa nói: “Trẻ con nhà này nó hay lắm bác nhà báo ạ, đi xa gọi điện về chả hỏi thăm bố mẹ được câu nào, vừa alo cái là đã hỏi về tình hình sức khỏe của “em Mép” rồi, khổ thế đấy. Thế nhưng có lẽ chính vì cả nhà tôi đều yêu thương nó nên thành ra con Mép nó mới khôn như vậy”. Nói rồi, bà Cúc vỗ vỗ vào đầu chú Mép tủm tỉm: “Nói thực chứ kể cả tôi nhiều lúc cũng thương nó như… con vậy”.
► XEM THÊM Bí quyết Chăn nuôi hiệu quả trong giai đoạn khủng hoảng bão giá !
Theo GĐVN | VƯỜN SINH THÁI
cách nuôi lợn, chăn nuôi, Chế phẩm sinh học, chế phẩm sinh học vườn sinh thái, chế phẩm vườn sinh thái, chú lợn thông minh, kỹ thuật nuôi lợn, làm giàu từ nuôi lợn, nuôi heo, nuôi lợn
TIN LIÊN QUAN
- Cửa hàng thuốc Bảo Vệ Thực Vật gần nhất (30/09/2024)
- Cách làm Thuốc Trừ Sâu Sinh Học đơn giản và hiệu quả nhất (20/07/2024)
- Cách sử dụng bột Chế phẩm EM gốc ủ phân bón (16/07/2024)
- Cách điều trị bệnh gan tụy cho tôm thẻ hiệu quả nhất (03/04/2024)
- BOKASHI là gì ? Mua BOKASHI ở đâu uy tín chất lượng ? (04/08/2023)
Gọi ngay: 0962.686.348
Để được Tư vấn kỹ thuật Nông nghiệp MIỄN PHÍ !